Wednesday, November 12, 2014

Lễ hội Halloween và những điều có thể bạn chưa biết

                              Ảnh: Internet

Halloween là lễ hội thường niên diễn ra vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng đó là lễ hội để tưởng niệm cái gì? Tại sao người ta phải hoá trang và ăn mặc gớm ghiếc đến thế?

 Phải chăng đó là nghi lễ thờ quỷ dữ hay đó là tàn tích của những lễ nghi tà giáo từ thời xa xưa? Bản thân từ “Halloween” có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là từ kết hợp của hai từ Hallows Eve (ngày lễ thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ các thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời.

Nhưng cũng có tài liệu cho rằng ngay từ thế kỷ 5 trước công nguyên người Celtic ở Ai-len đã kỷ niệm ngày này vào ngày 31 tháng 10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.
 
Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng.

Chuyện kể lại rằng, vào ngày đó những người đã chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Đó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh.

Người Celtic tin rằng ngày đó chính là ngày âm dương giao hòa, kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau. Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể của mình bị các linh hồn “cướp” mất, vì thế vào tối 30 tháng 10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và mặc những trang phục cực kỳ ghê tởm và diễu hành ầm ĩ khắp xóm để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác để nhập vào.


h4 h5
Lễ hội Halloween
Hóa trang ma quái trong ngày lễ Halloween

Có một tài liệu khác cho rằng sở dĩ người Celtic dập tắt lửa nhà mình là để đến hôm sau tất cả cư dân cùng thắp sáng nhà mình bằng cùng một ngọn lửa được lấy từ trung tâm vùng Ai-len. Và cơ thể những người bị các linh hồn nhập vào sẽ bị trói vào cọc và đốt để cảnh cáo và cũng là để xua đuổi các linh hồn muốn tái sinh. Nhưng càng về sau này người ta càng tin rằng đó chỉ là những truyền thuyết mà thôi.

Ngày lễ Halloween sau đó đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để ngày lễ Halloween là của mình.

Đầu tiên phải kể đến người Roman, ngay từ những thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, người Ý xa xưa đã dùng ngày cuối tháng 10 này để tưởng nhớ nữ thần Pomona, nữ thần trái cây của họ. Biểu tượng của nữ thần Pomona là trái táo, điều này giải thích cho trò đớp những trái táo trong ngày Halloween hiện nay.

Chuyện về quả táo Pomona

apples Pomona
Quả táo Pomona – Halloween

Cây táo từ lâu đã được gắn với hình ảnh nữ thần bất tử và trí tuệ. Nếu bổ ngang một quả táo, sẽ lộ ra hình ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho nữ thần trong niềm tin của người Châu Âu ngày xưa. Táo Pomona là những quả táo được thả trong chậu nước, hoặc trên sợi dây.

Những thanh niên tới tuổi cập kê tìm mọi cách để lấy quả táo và người nào làm được thì sẽ là người sớm được lập gia đình. Ngoài ra còn nhiều truyền thuyết dân gian khá lý thú như ai gọt vỏ táo Pomona trước một cái gương bên cạnh một cây nến cháy thì sẽ nhìn thấy hình ảnh của người vợ (chồng) tương lai trong gương, hoặc cố gắng giữ vỏ táo càng lâu thì cuộc đời của bạn được kéo dài…!


Táo Pomona
Bổ ngang quả táo sẽ lộ ra hình ngôi sao 5 cánh


Người Châu Âu thì cho rằng những bộ trang phục kỳ quái trong ngày Halloween không phải có xuất xứ từ người Celtic mà có xuất xứ từ chính những người Châu Âu. Vào thế kỷ thứ 9, ngày 2 tháng 11 hàng năm và cũng là ngày cầu cho các linh hồn, những giáo dân thường ăn mặc giống như những kẻ ăn mày rồi đi từ làng này sang làng kia để xin những mẫu bánh vụn tượng trưng cho thức ăn nuôi dưỡng linh hồn.

Những người này tin rằng họ càng xin được nhiều mẩu bánh thì linh hồn của những người thân của họ sẽ nhận được càng nhiều những lời cầu nguyện. Các giáo dân tin rằng những lời cầu nguyện này sẽ giúp cho những linh hồn người thân của họ còn mắc kẹt ở đâu đó sẽ được lên thiên đàng.

Truyền Thuyết Về Halloween

Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ “Jack-ó-lanterns” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì.

Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.


halloween
 

Chuyện kể rằng: một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Thế là con quỷ bị bắt… Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát.

Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào… vì lời hứa trước.

Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm… trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.


ma-na-quy-trong-halloween-997488-1371520317_500x0


Ngày lễ Halloween được du nhập vào Mỹ từ năm 1840 theo chân những người Ai-len di cư sang Mỹ. Đầu tiên nó chỉ diễn ở các nông trang, nhưng ngày nay cũng giống như nhiều quốc gia khác Halloween đã trở thành một ngày lễ chung cho tất cả mọi người, nhất là đối với giới trẻ.


Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ “trick or treat” chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này “hàng xóm láng giềng” hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại. Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất được chào đón của thiếu niên và một số thanh niên.

Các tập tục trong ngày Halloween

“Trick Or Treat” Đây là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween.


Trick or treaters on the porch
“Trick or Treat” – “Cho kẹo hay bị ghẹo”

“Trick” nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm: “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat.

” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.”

Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc “trick” nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong).

Ý nghĩa giáo dục của ngày Halloween

Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:

Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt

Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn

Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội… Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.

Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa.” Dù rằng sự “giữ lời hứa” này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng.


Halloween
 

Đối với các xã hội Âu, Mỹ Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.

Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa.” Dù rằng sự “giữ lời hứa” này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng.

Đối với các xã hội Âu, Mỹ Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.

Ý nghĩa nhân bản

Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của “cõi Âm” mà đại diện là chàng Jack?


What-Is-The-Meaning-Of-Halloween


Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người… mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân… Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!

Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.

Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la.

Biện pháp an toàn cho trẻ em và người lớn trong Đêm Halloween

halloween safety

 Theo Vi Vu

Saturday, November 1, 2014

Năm 2013, nói về con số 13 và nỗi sợ hãi dị đoan



Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc, con số 13 bị coi như một điềm gì đó không may mắn, vì thế năm 2013 cũng đang được nhiều người cho rằng là năm sẽ xảy ra thiên tai khủng khiếp.

Theo tạp chí Nga Itogi, nếu đến Vương quốc Anh, Canada hay Australia, chúng ta không thể tìm thấy một ngôi nhà có địa chỉ số 13. Trên máy bay của tất cả các hãng hàng không Đức đều thiếu hàng ghế thứ 13. Trên các đường phố Mỹ cũng không bao giờ nhìn thấy những xe buýt mang con số 13, không bao giờ được ở trên tầng thứ 13, cũng không phải tá túc ở những căn phòng có ghi số 13.

Để loại trừ con số này, người ta nghĩ ra đủ mọi cách. Ví dụ, trong một số tòa nhà có thể tìm thấy tấm biển ghi các ký hiệu "12-A", "B-12" hoặc "12 +1". Tại các bệnh viện tâm thần, người ta phải "chế" hẳn thuật ngữ đặc biệt để chỉ người mắc chứng dị ứng với con số đó là "Triskaidekaphobia". Xuất phát từ đâu mà lại có nỗi ám ảnh kinh hoàng đó đối với con số 13 và liệu sau đó có cái gì hữu lý hay không?

Con số của Judas

Con số 13 có tội tình gì mà người ta gọi nó là "một tá quỷ sứ"? Đôi khi nỗi sợ hãi đối với nó được người ta liên hệ với sự tích Tiệc Ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết. Đã có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này có Judas. Trong Phúc Âm kể rằng, chúa Jesus hướng về phía môn đồ nói: "Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ". Và chính chương 13 của Phúc Âm John kể về sự phản bội của Judas. Trong chương 13 cuốn sách cuối cùng của Tân Ước - Khải Huyền đã mô tả con số đáng sợ của con thú 666.

Ngay từ thời xa xưa, loài người bắt đầu tin rằng, tập trung quanh bàn 13 vị khách là một điềm xấu. Dị đoan này đặc biệt phổ biến trong giai đoạn xảy ra vụ dịch hạch khủng khiếp trong thế kỷ XVII. Chính thời điểm đó, người ta không hề hoài nghi việc người tập hợp quanh bàn "một tá quỷ sứ" đang tạo ra nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, bởi vì thể nào cũng có một trong những khách sẽ bị chết bất đắc kỳ tử.

Thật ra mà nói, ở giai đoạn đó, trong nguy cơ của đại dịch chết người, dù ta có tập hợp bao nhiêu khách quanh bàn thì tất cả đều mạo hiểm như nhau và xác suất phải rời sang thế giới bên kia đối với mọi người đều lớn như nhau. Thế nhưng, nỗi sợ hãi dị đoan đối với con số 13 cứ càng ngày càng được củng cố và phát triển đến đỉnh điểm vào giữa thế kỷ XIX.

Mọi người đã sợ hãi và tin vào sự xui xẻo của con số 13 tới mức nghĩ ra cái nghề làm vị khách thứ 14. Tại Pháp, người đóng vai vị khách thứ 14 được mời tới khi không may gia chủ chỉ có 13 khách tới dự tiệc. Và cho đến nay trong khách sạn Statler ở Chicago vẫn có lệ: nếu tình cờ quanh bàn chỉ có 13 vị khách thì những người phục vụ ở đây sẽ đặt thêm một cái ghế thứ 14 và xếp vào đó một hình nộm trong y phục thực khách rất đàng hoàng cho "đẹp cỗ". Hình nộm này cũng được phục vụ ăn uống chu đáo như những vị khách khác và được gọi đùa bằng cái tên ngài Louis XIV.

Nhân đây có lẽ không thể nào không đề cập tới cái gọi là hiện tượng "thứ sáu ngày 13". Để đánh dấu nỗi sợ hãi về hiện tượng này, các bác sĩ tâm thần cũng phát minh ra một thuật ngữ đặc biệt - paraskavidekatriafobiya (sợ thứ sáu ngày 13). Góp phần vào sự ra đời của thói mê tín dị đoan này có bàn tay của các thành viên tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền (Templar) ở thế kỷ XIV. Lý do là, ngày 13/10/1307, vua Philipp IV ra sắc lệnh buộc tội và bắt giữ kể cả đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của tổ chức này.

Các thành viên Hiệp sĩ dòng Đền bị buộc tội dị giáo và báng bổ, nhiều người trong số họ phải chịu tra tấn và tử hình. Vị huynh trưởng vĩ đại cuối cùng của tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền là Jacques de Molay đã lên tiếng nguyền rủa cái ngày định mệnh đó (13/10/1307). Kể từ thời điểm ấy, những người theo tư tưởng Templar luôn làm lễ kỷ niệm thứ sáu ngày 13/10 như một ngày không may mắn và bi thảm. Cũng từ đây, các ngày thứ sáu 13 thuộc bất cứ tháng nào cũng bị coi là xui xẻo.

Con số vĩ đại

Nỗi sợ hãi con số 13 thực chất chỉ là mê tín dị đoan. Theo cách nhìn của giáo hội thì nó xuất phát chính từ những nỗi sợ hãi và định kiến sai lầm. Theo nhận định của cha Pavel Ostrovsky, Trưởng tu viện Uspensky thành phố Krasnogorsk gần thủ đô Moskva, trong cuộc trò chuyện với phóng viên tạp chí Nga Itogi: "Chúng ta phải nhớ rằng, chính chúng ta mới là thợ rèn cho hạnh phúc hay bất hạnh của mình - chúng tôi đã được toàn quyền quyết định việc này. Không có số hoặc điềm báo nào có thể tước đi cái quyền đó, tất nhiên, nếu như chính bản thân con người không coi trọng một cái gì khác lớn hơn thế".

Bất kỳ nhà tâm lý học nào cũng sẽ nói rằng, những sự mê tín dị đoan nhiều người sử dụng như một công cụ để kiểm soát cuộc sống của mình. Nhà tâm lý học Irina Jakovich lý giải: "Đây là phương pháp đặc biệt của trò vờn dứ nỗi sợ hãi, được gọi là sự bù trì lại. Khi tiếp cận trò vờn dứ với một năng lượng khủng khiếp nào đó, con người bằng cách ấy muốn thử phá hủy nó đi.

"Tất nhiên, chúng ta chẳng thể kiểm soát được cái gì hết, nhưng một sự tương tác với định mệnh ác nghiệt cũng là phương thức tự động rèn giũa để trấn an bản thân mình, làm tức cười hoặc tự cổ vũ cho mình trở nên lạc quan hơn”.

Con người không thể sống trong thế giới bất tường minh và không có hệ thống; thiên nhiên đã đặt vào trong chúng ta nhu cầu tìm kiếm các liên kết và các quy luật. Con người cần phải tin vào một cái gì đó, phải có một cái gì đó để mà sợ hãi hoặc phải có một cái gì đó để lảng tránh.

Nhà tâm lý học lý giải tiếp: "Chúng ta cần phải biết các khu vực nguy hiểm để đi vòng tránh chúng, nên bộ não con người luôn luôn cố gắng phát hiện ra khu vực này. Và tìm thấy chúng rồi, chúng ta hiểu rằng, cần phải học cách đối phó với số phận tàn khốc, thuần hóa nó, vượt lên trên nó".

Để tránh bị phụ thuộc vào nỗi sợ hãi con số 13 và vượt lên trên những định kiến cổ hủ, 13 người Mỹ trong thế kỷ XIX đã thành lập câu lạc bộ "13" ở thành phố New York. Mục đích của việc này là chế nhạo thói mê tín dị đoan và kiêng kị phi lý đối với con số không may này.

Lễ khai trương hoành tráng của câu lạc bộ thực hiện vào thứ sáu ngày 13 trong căn phòng số 13 và tiền phí hội viên suốt đời có giá 13 USD. Ngoài ra, tại cuộc họp của câu lạc bộ, người ta thường cố tình đập vỡ gương và rắc muối. Người ta kể rằng, ý tưởng này khiến vị Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt thích thú đến mức chính ông cũng gia nhập câu lạc bộ "13". Hiện nay, các cuộc họp kiểu như thế đã trở nên phổ biến trên thế giới và nhiều chi nhánh câu lạc bộ "13" được phát triển cả ở các thành phố khác. Thành viên câu lạc bộ khẳng định: Không có gì khủng khiếp xảy ra với họ cả và con số 13 là con số đẹp nhất trên thế giới.



Thuần túy toán học

Có ý kiến cho rằng, cơ sở của những mối ngờ vực đối với con số 13 là lý giải bằng toán học. Thật vậy, con số 12 đại diện cho sự hài hòa và trọn vẹn. Mỗi năm có 12 tháng, có 12 ký tự trong cung hoàng đạo; ngày và đêm đều kéo dài trong 12 giờ. Con số 13 đứng sau số 12 lại phá đi sự hòa hợp và trật tự đó như thể bắt đầu chu trình khác.

Các nhà số học nghĩ thế nào về vấn đề này? Nhà số học Alice Moskvina trong cuộc trao đổi với phóng viên Itogi cho biết: "Con số 13 là sự khởi đầu một chu kỳ mới, mà cái mới luôn ẩn chứa sự chưa tường minh nên có vẻ như là nguy hiểm. Thói mê tín dị đoan và nỗi sợ hãi trước con số 13 tồn tại dai dẳng được còn do có một thực tế là người ta thường hay sống theo quán tính và bị chi phối bởi những nguyên tắc cũ kỹ mà không phải lúc nào cũng áp dụng được trong hoàn cảnh mới…".

Trong cách nhìn của môn số học, con số 13 tượng trưng cho không chỉ sự khởi đầu của một chu kỳ mới và phá vỡ mối liên hệ với quá khứ, mà còn là sự tàn phá các ảo tưởng, cái nhìn thẳng thắn vào sự thật. Tự bản thân nó không là may mắn, cũng không là bất hạnh.

Con người không có lý do gì để e ngại năm 2013. Cũng theo nhà số học Alice Moskvina: "Năm nay không phải là năm định mệnh hay ẩn chứa nhiều thảm họa thiên tai khủng khiếp".

Theo An ninh thế giới


5 vụ án mạng kinh hoàng đêm Halloween ở Mỹ

 

Vào ngày 31.10, nhiều nước trên thế giới tổ chức các buổi lễ hội hóa trang Halloween. Và nước Mỹ từng chứng kiến những vụ án mạng kinh hoàng trong đêm "ma quỷ" Halloween.

Dưới đây là 5 vụ án mạng được cho là kinh hoàng nhất nước Mỹ xảy ra trong đêm Halloween, được đăng tải trên trang mạng Mandatory (Mỹ):

1. Halloween 1974

Sau khi gõ cửa các nhà hàng xóm xin kẹo, một phong tục trẻ nhỏ hay làm dịp Halloween vào tối ngày 31.10.1974 ở thành phố Deer Park, bang Texas, cậu bé Timothy O’Bryan (8 tuổi) gom hết kẹo trở về nhà và quyết định chọn thanh kẹo Pixy Stix để thưởng thức.

Ăn hết thanh kẹo, O’Bryan bị co giật, được đưa đến bệnh viện cấp cứu và tử vong. Kẻ đầu độc chính là cha của Timothy. Lâm vào cảnh nợ nần, người cha đã nhẫn tâm tẩm chất độc xyanua vào kẹo, giết chết con trai ruột của mình để được hưởng tiền bảo hiểm.

2. Halloween 1993

Một nhóm 5 thành viên của băng đảng đường phố Mỹ gốc phi Bloods (Máu) đã nổ súng vào một nhóm thiếu niên vừa dự xong lễ hội Halloween đang đi bộ trở về nhà ở thành phố Pasadena, bang California, khiến 3 người chết tại chỗ và 3 người bị thương.

Sau khi bị cảnh sát bắt giữ, những kẻ xả súng thú nhận họ muốn trả thù vì “một người anh em” của họ bị bắn chết trước đó, nhưng bắn lầm người, giết chết những thiếu niên vô tội.


Một diễn viên đóng giả ma trong căn nhà ma ám phục vụ Halloween tại thành phố New York - Ảnh: Reuters Một diễn viên đóng giả ma trong căn nhà ma ám phục vụ Halloween tại thành phố New York - Ảnh: Reuters

3. Halloween 1994

Tony Bagley (7 tuổi) mặc đồ hóa trang Halloween và gõ cửa nhà hàng xóm xin kẹo. Nhưng cậu bé đã không có cơ hội để tận hưởng kẹo xin được.

Sau khi xin kẹo, Tony, cùng chị gái, dì và mẹ đi dạo trên một con đường ở thành phố Las Vegas để tận hưởng không khí lễ hội Halloween, thì một người đàn ông chạy đến nả súng vào họ, giết chết Tony và những người còn lại bị thương.

Tay súng cao chạy xa bay và đến nay vẫn còn ung dung ngoài vòng pháp luật. Cảnh sát tình nghi đây là một vụ trả thù vì cha của Tony có dính líu đến tội phạm ma túy.

4. Halloween 2004

Sau khi ra ngoài tận hưởng không khí lễ hội Halloween ở thành phố Napa, bang California, ba cô bạn gái cùng phòng Leslie Mazzara, Adriane Insogna và Lauren Meanza trở về căn nhà thuê để ngủ.

Meanza bỗng dưng thức giấc vì tiếng động của một vụ ẩu đả ở tầng trên căn nhà. Quá hoảng sợ, cô chạy ra khỏi nhà, nấp ở sân sau và nhìn thấy một người đàn ông trèo ra khỏi cửa sổ.

Sau đó, Meanza trở vào nhà và chạy lên lầu thì phát hiện hai cô bạn đều bị đâm chết một cách dã man. Mãi đến một năm sau, cảnh sát mới tìm ra hung thủ chính là Eric Copple, chồng sắp cưới của Insogna. Anh ta nghĩ rằng đám cưới của họ sẽ bị đe dọa bởi tình bạn của ba cô gái nên đã lên kế hoạch giết chết họ.

5. Halloween 2010

Devon Griffin (16 tuổi) trở về nhà vào đêm kinh hoàng 31.10.2010, phát hiện thi thể của anh trai, mẹ và cha dượng, mới đầu tưởng đây chỉ là một trò đùa “giả chết” dịp Halloween. Nhưng khi phát hiện đây không phải là trò đùa mà cả ba người bị đập đầu chết, Devon bàng hoàng gọi điện báo cảnh sát.

Cảnh sát cho biết William Liske Jr (24 tuổi), là con trai ruột của người cha dượng và có tiền sử bị chứng tâm thần phân liệt, thừa nhận giết chết 3 người này, nhưng không thể giải thích được động cơ giết người.

Theo Thanh niên

10 bộ phim rùng rợn dành cho đêm Halloween

 

“The Conjuring”, “The Cabin in the Woods” hay “Evil Dead” là những tác phẩm kinh dị được đánh giá cao trong vài năm trở lại đây.

1. The Conjuring



Dựa trên những sự kiện có thật xảy ra ở Mỹ vào thập niên 1970, The Conjuring xoay quanh cặp vợ chồng nhà ngoại cảm chuyên săn ma quỷ - Ed và Lorraine Warren. Trong sự nghiệp, họ từng điều tra hơn 10.000 vụ án nhưng câu chuyện khiến họ không bao giờ quên là vụ án gia đình Perron ở Harrisville vào năm 1971. Khi cặp vợ chồng Roger và Carolyn cùng 5 cô con gái chuyển tới trang trại mới, nhiều điều kỳ lạ xảy ra.

Khởi chiếu từ hồi tháng 8 năm ngoái, The Conjuring gây nhiều ấn tượng mạnh và được coi là một trong những phim kinh dị rùng rợn nhất từng được chiếu rạp ở Việt Nam. Nhân vật búp bê đáng sợ Annabelle trong phim được yêu thích đến nỗi năm nay, các nhà sản xuất đã phải tạo cho nhân vật này một bộ phim riêng, vừa ra mắt hồi đầu tháng 10.

2. The Cabin in the Woods


Được thực hiện bởi đạo diễn Joss Whedon (bom tấn The Avengers), phim là câu chuyện về 5 bạn trẻ đi dã ngoại tại một ngôi nhà bỏ hoang trong rừng và gặp phải nhiều điều dữ. Đây là môtíp đã quá quen thuộc với các phim sát nhân kiểu Mỹ.

Tuy nhiên, đạo diễn Joss Whedon lại “đe dọa” khán giả ở ngay câu giới thiệu là “Bạn cứ nghĩ bạn biết câu chuyện này sao?”. Và quả thật, The Cabin in The Woods đưa khán giả đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Phong cách riêng biệt, rùng rợn và độc đáo trong lối kể chuyện cũng như kịch bản của The Cabin in the Woods đã đem tới nhiều sự phấn khích và thích thú mà đã lâu các fan của phim kinh dị không có được.

3. Evil Dead


Phiên bản mới của Ma Cây được nhiều khán giả trên các diễn đàn điện ảnh bình chọn là một trong những phim kinh dị hay nhất năm 2013. Phim xoay quanh câu chuyện về nhóm 5 người bạn vô tình làm thức tỉnh một thây ma bị quỷ ám khi trú chân trong căn nhà gỗ ở ngoại ô bang Massachusetts.

Từng người trong nhóm lần lượt phải đối mặt với nỗi sợ hãi tột cùng và cái chết tàn khốc. Kinh phí vỏn vẹn 17 triệu USD nhưng khi ra mắt vào hồi đầu hè năm ngoái, Evil Dead đã thu về gần 100 triệu USD.

4. Under the Skin


Thuộc thể loại kinh dị, giả tưởng pha với ly kỳ, Under the Skin là một trong những bộ phim được các fan điện ảnh đánh giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Michael Faber, nội dung của Under the Skin theo sát hành trình khám phá sự sống của một người ngoài hành tinh (Scarlett Johansson đóng).

Ban đầu, cô phải sử dụng vẻ ngoài nóng bỏng của mình để lừa những người khách đi đường lên xe, rồi chở họ tới một địa điểm để “làm thịt”. Nhưng sau sự cố với một người kỳ dị, cô lên đường chạy trốn khắp Scotland, có những trải nghiệm đầy cảm xúc với một người đàn ông ở đây. Kỹ xảo được tối giản hết mức có thể vì kinh phí thấp nhưng diễn xuất của Scarlett Johansson cùng âm nhạc rùng rợn của nhà soạn nhạc Micachu tạo nên sức ám ảnh cho Under the Skin.

5. The Woman in Black


Sau khi kết thúc loạt phim Harry Potter vào năm 2011, Daniel Radcliffe từng có màn trở lại ấn tượng trong vai luật sư góa vợ Arthur Kipps tham gia vào câu chuyện rùng rợn, ly kỳ về một con ma báo thù ám ảnh thị trấn miền quê nước Anh. Khi được cử đến thị trấn bờ biển phía đông ở Crythin Gifford, Arthur bắt đầu nhận thấy một chuỗi sự kiện kỳ lạ xảy ra xung quanh Crythin Gifford: trẻ em bị khóa trong nhà như như những tù nhân còn người dân thị trấn coi anh như người có bệnh dịch.

Khi Arthur đến Eel Marsh House, một trong những ngôi nhà của dòng họ Drablow, anh nhận thấy những điều hết sức phi lý: ghế tự rung chuyển, âm thanh lạ bên trong và một phụ nữ bí ẩn mặc tang phục xuất hiện lởn vởn quanh khu nhà. Sau đó, Arthur cố gắng tìm hiểu những điều bí ẩn và mối liên hệ giữa nhà Drablows và dân làng. Càng ngày anh càng tìm ra nhiều bằng chứng về một điều xấu xa, ghê tởm tồn tại trong Eel Marsh House…

6. Buried


Buried là bộ phim ly kỳ rùng rợn được đánh giá cao vào năm 2010. Trong bộ phim này, Ryan Reynolds vào vai Paul, một tài xế xe tải dân sự tới làm việc tại Iraq. Một ngày nọ, đoàn xe của anh bị những kẻ khủng bố tấn công. Khi tỉnh dậy, Paul phát hiện mình đang nằm trong một chiếc quan tài bị chôn sâu dưới đất.

Trong tay anh chỉ có một chiếc bật lửa và một chiếc điện thoại để thoát khỏi cảnh bị chôn sống. Buried nhận được nhiều lời khen của giới phê bình về mặt ý tưởng, nội dung và diễn xuất của Ryan Reynolds.

7. Black Swan


Bộ phim từng đem về cho Natalie Portman tượng vàng Oscar cũng là một tác phẩm rùng rợn, hồi hộp phù hợp để xem trong đêm Halloween. Phim là câu chuyện về Nina, một nữ vũ công triển vọng, tài năng của New York, Mỹ. Mơ ước lớn nhất trong đời cô là được hóa thân thành Swan Queen trong vở nhạc kịch Hồ thiên nga. Cơ hội đến với Nina khi giám đốc nhà hát quyết định tìm một gương mặt mới cho vở ballet này.

Tuy nhiên, cô gái được lựa chọn phải có khả năng thể hiện được cả hai hình ảnh với hai nhân cách đối lập - Thiên nga trắng mong manh, thánh thiện và Thiên nga đen cám dỗ, xảo quyệt. Nina là lựa chọn hoàn hảo cho Thiên nga trắng nhưng giám đốc nhà hát lại tỏ ra phân vân khi cô chưa lột tả được hình ảnh tăm tối của Thiên nga đen. Cùng lúc đó, Lily (Mila Kunis) - một vũ công trẻ có lối sống đầy phóng túng, hoang dã - xuất hiện…

8. Insidious


Sau Saw, Paranormal Activity và trước The Conjuring, đạo diễn người Malaysia – James Wan – cũng có một bộ phim kinh dị được nhiều khán giả yêu thích là Insidious. Phim kể về hai cậu bé có khả năng đưa linh hồn rời khỏi thể xác để đến với “thế giới bên kia” trong khi ngủ.

Nhưng cũng chính khả năng này đã khiến cho hai cậu bé bị những con quỷ dữ để ý và muốn giam cầm linh hồn hai cậu ở thế giới bên kia để chúng có thể chiếm lấy thể xác của hai cậu. Gia đình họ đã phải tìm mọi cách để chống chọi với những thế lực siêu nhiên của thế giới khác để có thể bảo vệ cho linh hồn hai cậu bé. Insidious đã ra được hai phần và chắc chắn sẽ có phần ba vào năm sau.

9. Let Me In


Let Me In là phiên bản làm lại của Let the Right One in, bộ phim kinh dị Thụy Điển nổi tiếng chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn John Ajvide Lindqvist. Lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ ở New Mexico, phim xoay quanh chuyện một cậu bé kết bạn với cô bạn gái mới chuyển tới và phát hiện ra nhiều chuyện rùng rợn xung quanh cô gái này.

Những cảnh quay u ám trên nền tuyết trắng, những tiếng động lạ giữa khoảng không gian tĩnh mịch đã làm nên không khí rùng rợn cho Let Me In. Ra mắt năm 2010, đây là bộ phim đánh dấu bước tiến về diễn xuất của nữ diễn viên trẻ Chloe Moretz – bạn gái tin đồn của Brooklyn Beckham.

10. Open Windows


Bộ phim chính thống mới nhất của cựu ngôi sao phim khiêu dâm – Sasha Grey – là một trong những tác phẩm phù hợp cho đêm Halloween năm nay. Open Windows bắt đầu với hình ảnh chàng fan cuồng Nick Chambers (Elijah Wood) chụp lại những hình ảnh của diễn viên Jill Goddard (Sasha Grey) mà anh hâm mộ trong buổi họp báo phim mới của cô được phát sóng trực tiếp trên mạng internet.

Anh di chuyển qua từng cửa sổ ứng dụng, chụp hình trong trailer phim mới của cô rồi lưu vào trong ổ, up hình lên trang fansite mà anh lập cho cô, rồi bật webcam để sẵn sàng cho một cuộc điện thoại gọi đến. Và cứ thế, dù bộ phim sau đó ngày càng mở rộng với nhiều cửa sổ hơn, nhiều nhân vật hơn, nhiều tình tiết bất ngờ hơn, nhưng cũng chỉ toàn nằm trên màn hình laptop của Nick. Qua những chiếc camera nhìn trộm, Nick phát hiện ra thần tượng đang bị một kẻ giấu mặt điều khiển và có nguy cơ bị bắt cóc.

Theo VnExpress
 
Copyright © 2013 Kinh dị (Pmanth) | Powered by Blogger