Thursday, June 12, 2014

Truyện kinh dị: Sống trong mồ

 


Chuyện Cấm Cười sưu tầm


Chuyện vừa ly kỳ vừa khủng khiếp đã từng xảy ra với con người. Chuyện hoàn toàn có thật, chẳng phải do con người cố ý gây nên, nhưng đã để lại cho con người những ấn tượng kinh hoàng sâu sắc. 

Trong đời người, không có lúc nào đau khổ hơn là lúc hấp hối chờ chết, nỗi đau đớn ấy thật thống khổ và cuối cùng, thường chỉ xảy đến với từng người một, rất hãn hữu hoặc không bao giờ xảy đến với nhiều người cùng một lúc.

Trường hợp đau ốm nặng, hãy còn sống, nhưng lại bị xác định lầm là đã chết và đem đi chôn là loại tai họa gây nên những điều khiếp sợ tột cùng của con người. Nhưng may thay, thảm họa vừa nói cũng chỉ là hãn hữu lắm mới xảy ra. Có không ít căn bệnh, trong đó ranh giới để phân biệt giữa sự sống và cái chết thường rất mập mờ không rõ ràng, khiến cho các thầy thuốc chẳng ai dám nói khi nào sự sống sẽ kết thúc và cái chết sẽ bắt đầu. Nhiều khi quan sát các dấu hiệu bên ngoài tưởng chừng như đã chết rồi, nhưng thực ra bệnh nhân chưa phải là đã chết hẳn. Đó chỉ là sự ngừng nghỉ tạm thời của cơ thể.

Câu chuyện sau đây chính là mô tả về thảm họa chôn nhầm người còn sống và nỗi kinh hoàng của họ khi hồi tỉnh lại trong mồ. Họ đã xoay sở thế nào để thoát ra, họ may mắn ra sao khi được người khác phát hiện và cứu sống? Từ thực tế này, liệu có bao nhiêu người khác nữa đã bị chôn lấp như thế để nhận lấy sự thống khổ trước khi hồn lìa khỏi xác?

Câu chuyện bắt đầu thế này. Người vợ trẻ của một luật sư có tên tuổi trong thành phố, bị mắc một căn bệnh kỳ lạ khó xác định khiến các thầy thuốc của bà ta phải bó tay, không tìm ra nổi cách chữa trị. Sau một thời gian dài đau đớn, bà ta đã được các thầy thuốc kết luận là đã chết rồi. Không có ai nghi ngờ hoặc tìm ra được một dấu hiệu của sự sống nào, dù là nhỏ, để bác bỏ lời xác định này. Gương mặt bà ta chẳng còn chút sinh khí, bộc lộ vẻ lạnh lẽo của một thây ma. Đôi môi tái nhợt. Vạch mắt ra thấy con ngươi đã mờ đục. Thân thể cũng chẳng còn chút hơi ấm. Hơi thở thoi thóp cũng đã ngừng hẳn.

Người ta giữ thi hài trong 3 ngày trên giường bệnh, khiến cho cái xác đã trở nên cứng nhắc. Sau đó, đám tang diễn ra ngắn ngủi, vội vã để tránh khỏi sự phân hủy. Xác người đàn bà quý phái đó được bỏ vào quan tài, rồi được đặt trong hầm mộ của gia đình, một nơi u tịch hoang vắng đã ba năm chẳng có người lui tới. Thời gian qua đi, đủ kỳ hạn bốc hài cốt sang một cái quách bằng đá, người chồng đến hầm mộ, nhưng ông đã gặp một cảnh tượng kinh hoàng ... cùng với nỗi khiếp sợ, khiến cho ông phải lao người qua cửa hầm tháo chạy ra ngoài. Ông nhìn thấy thi hài vợ khô đét, da sát xương trong bộ khăn liệm, vải liệm trắng nơi cánh tay móc vào một cái đinh lớn ở cửa đang bị gió thổi lay động phấp phới.

Một cuộc điều tra tỉ mỉ được tiến hành và đã có đủ căn cứ để giải thích là: Sau một thời gian ngắn khoảng hai hoặc ba ngày gì đó, bà ta đã hồi tỉnh và sống lại. Bà ta đã vật lộn, tự xoay xở để mở nắp quan tài. Kết quả là nắp quan tài đã bung ra, lăn xuống nền hầm và bà ta đã thoát được ra khỏi quan tài. Một cái đèn vẫn còn nguyên đặt bên cạnh quan tài đã cạn hết dầu, chắc chắn là do dầu đã bay hơi. Trên bậc cao nhất của lối dẫn xuống cái hầm mộ kinh khủng đó, còn sót lại một mảnh vỡ của cái nắp quan tài và rõ ràng là bà ta đã dùng mảnh gỗ đó để làm đòn bẩy phá cổng sắt để thoát ra ngoài, nhưng có thể là do khiếp sợ và kiệt sức không phá nổi, bà đã ngất đi rồi sau đó chết hẳn. Khi thân thể đổ xuống, vải liệm vướng vào các móc sắt, nên thi hài không vật xuống nền mà bị treo lơ lửng đung đưa trên móc. Cái xác bị treo, phân hủy, khô dần và đét lại.

Vào năm 1810, một trường hợp bị chôn sống khác xảy ra ở Pháp. Sự việc xảy ra có những tình tiết còn ly kỳ hơn cả những chuyện bịa đặt, nhưng hoàn toàn chân thực. Nhân vật chính của câu chuyện là V, một cô gái trẻ, con nhà danh giá, giàu có và rất xinh đẹp. Trong số những người đến cầu hôn cô ta, có D, một nhà báo nghèo ở Paris. Tài năng, nhân cách và tính dễ thương của anh ta đã lọt vào mắt xanh của cô gái, và dường như anh ta cũng đã yêu chân thành cô gái. Kiêu hãnh vì sinh ra từ một gia đình quyền quý giàu sang, cuối cùng cô bỏ rơi anh ta và lấy một ông chủ ngân hàng tên R vừa nhiều tiền lại vừa là một nhà ngoại giao nổi tiếng.

Nhưng ngay sau đám cưới, cô gái đã bị người chồng đối xử lạnh nhạt, thậm chí còn bị ngược đãi nữa. Sau một số năm sống bất hạnh, cô ta chết - sự thật là cô ta chưa chết hẳn, nhưng người chồng lại tưởng cô ta đã chết. Cô ta được chôn cất chẳng phải là trong hầm mộ, mà trong một nấm mồ tại một nghĩa trang làng quê, nơi cô ta sinh ra. Đau buồn vì không lấy được nhau, và trong lòng vẫn còn bốc cháy ngọn lửa tình yêu nồng nàn dành cho cô gái. D người tình của cô ta đang sống tại một tỉnh xa, nảy ra một ước muốn lãng mạn là tìm đến khai quật mộ cô lên, cắt lấy mái tóc mượt mà của cô gái để giữ lấy làm vật kỷ niệm. Vào nửa đêm thì anh ta đào tới quan tài và bật được nắp lên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ, khi định đưa tay ra gỡ lấy mái tóc thì anh sững lại vì chợt nhìn thấy đôi mắt đẹp của người yêu mở to. Thì ra cô gái đã bị chôn sống, sau đó đã hổi tỉnh lại, nằm lịm trong quan tài ở trong trạng thái sống dở chết dở. Cô gái được cứu ra khỏi nấm mồ, đưa vào trong làng. Tuy không có những hiểu biết đầy đủ về các phương pháp hồi sức cấp cứu, nhưng anh cũng đã may mắn thành công trong việc làm cho cô ta sống lại. Cô nhận ra ân nhân của mình chính là người yêu cũ. Cô gái được anh chữa chạy chăm chút cho tới khi hoàn toàn hồi phục và xinh đẹp như xưa. Trái tim cô gái không phải là vô tình. Cô đã xúc động, mềm lòng trước tình cảm chân thành của D, và bài học cay đắng của cuộc sống bất hạnh trong hôn nhân mà cô đã trải qua cũng đã dạy cô hiểu ra nhiều điều. Cô không tìm về với chồng cũ, mà dâng tặng cuộc đời còn lại của mình cho D để đền đáp ơn cứu mạng. Cô đã cùng người yêu sang sống tại Mỹ. Hai mươi năm sau, cặp vợ chồng này quay trở về Pháp với ý nghĩ thời gian qua đi đã lâu chắc chẳng ai nhớ đến và nhận ra cô gái nữa. Họ đã sai lầm, vì vừa gặp lại lần đầu, ông R người chồng cũ của cô đã nhận ra ngay vợ mình, và ngay lập tức ông ta viết đơn khiếu kiện đòi lại quyền làm chồng. Mặc dù cô đã phản đối lại sự đòi hỏi của người chồng cũ, nhưng tòa án cứ chiếu theo luật pháp - không hề xét đến hoàn cảnh kỳ dị hiếm khi xảy ra như trường hợp của cô - họ đã xử cho người chồng cũ của cô thắng kiện.

Câu chuyện khác nữa là một sĩ quan pháo binh người to lớn vạm vỡ bị ngã văng từ yên một con ngựa bất kham, và anh ta bị chấn thương sọ não. May mắn là chấn thương cũng không nặng lắm và ca phẫu thuật chữa trị đã thành công tốt đẹp. Anh bị mất máu nhiều, nên người ta đã tìm mọi cách cứu chữa cho anh. Tuy nhiên, dần dần anh lại bị rơi vào tình trạng mê man bất tỉnh, và cuối cùng người ta cho rằng anh đã chết. Vào một ngày ấm áp, anh được đem đi chôn cất một cách vội vã tại một nghĩa trang công cộng. Đám tang được tổ chức vào thứ năm. Ngày chủ nhật, liền sau đó, nghĩa trang đông nghịt người đến viếng, và tới khoảng trưa hôm đó mọi người xôn xao huyên náo khi nghe một nông dân nói rằng: trong lúc ngồi bên cạnh nấm mồ người sĩ quan, ông ta thấy đất bên dưới rung động, dường như người nằm trong mồ đang cựa quậy mạnh muốn rẽ đất để chui lên. Thoạt đầu không mấy người tin và quan tâm đến lời kể của người nông dân, nhưng khi nhìn thấy vẻ sợ hãi hiển nhiên và sự khẳng định nghiêm túc của ông ta, thì tất cả mọi người có mặt ở đó mới tin là ông ta không hề bịa đặt. Xẻng cuốc được mang đến và cái huyệt cũng không sâu lắm, nên chỉ một lúc sau đã thấy đầu chiếc quan tái ló ra, nắp quan tài bên trên bị kênh lên. Khi nắp quan tài được bật hẳn lên, thì mọi người nhìn thấy thi hài người sĩ quan pháo binh đầu gối lên thành quan tài, rõ ràng là đã trải qua một tình trạng hồi tỉnh lại và vật lộn tìm lối thoát.

Người ta lập tức chuyển thi hài người bị chôn sống vừa được khai quật khỏi mộ để chuyển tới một bệnh viện gần nhất. Các bác sĩ nhận ra anh ta vẫn còn sống nên các biện pháp cấp cứu được thực hiện gấp rút để anh ta thoát khỏi sự tắc thở. Vài giờ sau, anh ta hồi tỉnh lại và đã nhận ra những người quen biết. Bằng một giọng nói thều thào chậm rãi, anh kể lại tình trạng hấp hối và hồi tỉnh của mình cho mọi người nghe.

Anh đã bị người ta đem đi chôn cất vào lúc đang hôn mê bất tỉnh. May thay đất lấp bên trên thuộc loại đất xốp cho nên mặc dù bị ngột ngạt khó thở, nhưng không bị tắt thở hẳn, dưỡng khí vẫn còn lọt được vào trong quan tài đủ để cho anh ta sống sót. Tới lúc nghe thấy nhiều tiếng chân rậm rịch ở bên trên mặt đất, anh đã dồn sức đập và nâng nắp quan tài để đánh động cho mọi người bên trên biết mình còn sống. Anh ta nói chính là tiếng động và tiếng huyên náo ở bên trên đã thức tỉnh anh khỏi cơn mê triền miên, và khiến anh nảy ra ý định đánh động cầu cứu. Anh đã may mắn được cứu thoát khỏi tình huống tuyệt vọng hết sức khủng khiếp, mà mọi người đang có mặt chưa từng nghe nói đến bao giờ.

Lại một truyện khác về một bệnh nhân, mắc một căn bệnh mãn tính đang trên đà hồi phục, thì không may trở thành nạn nhân của một vài thầy thuốc bịp bợm. Phương pháp điều trị liều lĩnh của mấy thầy thuốc trình độ kém cỏi đó đã đưa đẩy bệnh nhân đến tình trạng mê man bất tỉnh. Đó là trường hợp của một luật sư trẻ ở Luân Đôn. Chuyện xảy ra vào năm 1831 đã làm xôn xao dư luận một thời.

Bệnh nhân ấy, ông E, mà thầy thuốc kết luận là đã chết vì bệnh sốt chấy rận, nhưng lại có một số những dấu hiệu không được bình thường, kích thích sự tò mò của các thầy thuốc khác. Họ nghi là cái chết còn do những nguyên nhân mờ ám khác nữa, nên đề nghị việc khai quật và khám nghiệm tử thi. Ngôi mộ được đào lên và thi hài được pháp y cho đem tới một bệnh viện tư.

Thông thường ở Luân Đôn thời đó, mỗi khi các bác sĩ pháp y cần mổ xẻ khám nghiệm tử thi, thì thườngh cho khai quật kịp thời, không để quá ba ngày sau khi chôn cất. Để quá thời hạn này, xác chết đã chuyển sang thời kỳ bị phân hủy, mọi thủ tục sẽ phức tạp hơn nhiều lần, ngay cả vị trí giải phẩu cũng không được phép tùy tiện chọn lựa nữa. Các bác sĩ ngoại khoa thường tiến hành mổ xẻ ở vùng bụng, trong khi nhìn bề ngoài xác chết vẫn còn tươi, có một số trường hợp trông giống như đang mổ xẻ cho người còn sống.

Trong trường hợp của ông E, có một sinh viên khoa ngoại, muốn thể nghiệm một phương pháp khám nghiệm mới khác với thông lệ, nên không tiến hành mổ ở vùng bụng, mà giải phẩu ở cơ bắp vùng ngực. Đã bước sang ngày thứ tư, cái xác có nguy cơ bị phân hủy và thối rữa chẳng thể chần chờ được nữa. Vào lúc trời vừa tảng sáng, ca giải phẩu đã được tiến hành thận trọng nhưng rất khẩn cấp. Khi dòng điện cảm ứng được đấu tiếp xúc vào cái thi hài vừa được khai quật - mà nhìn vẻ ngoài dường như chẳng phải là xác chết mà là người còn sống, thì bệnh nhân từ từ nhổm dậy, rời khỏi bàn mổ bước ra giữa phòng. E, người vừa được đào lên từ nấm mồ ấy, đưa mắt nhìn quanh một lát rồi bật lên nói, nhưng những lời ông ta nói nghe thật khó hiểu, vì các âm tiết trong ngôn ngữ chưa trở lại được rõ ràng như người bình thường. Nói xong vài lời, bệnh nhân ngã vật xuống nền nhà.

Mọi người sững sờ vì sợ hãi. Việc ông ta bị chôn sống đã là một sự thực hiển nhiên, và điều này đã gây cho mọi người một ấn tượng mạnh mẽ. Rõ ràng là E hãy còn sống, dù chỉ tỉnh lại chốc lát rồi lại ngất xỉu. Người ta dùng thuốc để hồi sức cấp cứu, giúp cho ông ta hồi phục một cách mau chóng. Chẳng bao lâu, ông ta đã trở lại bình thường. Các bác sĩ pháp y cùng tất cả những người tận mắt chứng kiến, đã từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sững sờ về những điều kỳ dị đã xảy ra. Tuy nhiên, mức độ của những điều kỳ dị trên chưa phải là tột bực, mà những điều kỳ dị do chính miệng người bị chôn sống kể lại về khoảng thời gian sống ngột ngạt dưới mồ mới là những điều kỳ dị tột cùng. Nạn nhân cho biết là kể từ lúc bị vùi sâu dưới huyệt, không có lúc nào là ông hoàn toàn mất hết khả năng nhận biết, ông vẫn hiểu được tất cả những điều đã xảy ra với ông, chỉ có điều là không còn khả năng gượng dậy và cũng chẳng còn khả năng nói lên thành lời để mọi người hiểu được hoàn cảnh của mình. Muốn nói lên: "Tôi hãy còn sống!" nhưng quai hàm và mọi cơ bắp đã cứng, âm thanh tắc bên trong cổ  họng, và dường như nhịp thở rất yếu ớt cũng gần như tắt hẳn, làm cho mọi người lầm tưởng là ông ta đã từ giã cõi đời.

Có những trường hợp chôn lầm người còn sống, mà sau đó không phát hiện ra, nạn nhân của thảm họa. Áp lực ngột ngạt dồn nén hai lá phổi là không khí ẩm ướt của lớp đất vùi bên trên, sự bám dính bức bối của vải liệm, không gian tù hãm trong chiếc quan tài hẹp, và trùm lên tất cả là đêm tối mịt mùng vô tận.

Sự trầm lặng giống như sự trầm lặng do biển cả nhấn chìm mọi vật tạo nên, đồng thời một sự sợ hãi đến khiếp đãm khi cảm nhận thấy loài giun đất - mắt không nhìn thấy chúng nhưng sự cảm nhận thì lại quá rõ ràng - đang dũi sâu xâm nhập vào phần mềm của thân thể.

Trong bối cảnh tù túng bế tắc đó, nằm dưới huyệt nạn nhân khao khát lớp không khí trong lành và thảm cỏ xanh bên trên. Họ nghĩ đến người thân, bạn bè, và mong ước được cứu vớt. Nhưng họ cũng ý thức được rằng: nếu quả là số mệnh họ đã hết, thì cầu xin sớm được kết thúc để họ thoát khỏi nỗi thống khổ quá sức chịu đựng của con người.

Thursday, June 5, 2014

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết


 Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 4

  Chuyện Cấm Cười - Theo Trí thức trẻ 

 

 Cùng tìm hiểu những hiện tượng xảy đến khi ta kích điện vào bộ não đã chết.

 

Từ thời Hy Lạp cổ đại, các bác sĩ đã biết sử dụng cá phát điện như cá chình điện để chữa đau đầu. Cho đến ngày hôm nay, các chuyên gia thần kinh học vẫn áp dụng phương pháp này bằng cách kích điện vào bộ não con người để tăng cường chức năng hoạt động của hệ thần kinh, điều trị bệnh suy nhược hay tạo ra giấc mơ Lucid cho bệnh nhân.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 1


Các chuyên gia nhận định, dòng điện bên ngoài ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của hệ thần kinh vì các nơron tế bào thần kinh của con người liên kết với nhau bằng các xung thần kinh và chất hóa học. 
Cùng tìm hiểu một vài cách giải thích khác nhau về mối liên hệ giữa não và xung điện qua đó hiểu hơn về phản ứng của não với những kích thích bằng điện não.
Từ phát hiện ra điện thân thể...
Vào thế kỉ thứ XVIII, kiến thức điện học của con người phát triển nhanh chóng. Điện được sử dụng để chữa các cơn đau của cơ thể và tinh thần, hay còn gọi là liệu pháp điện. Tuy nhiên thời đó rất ít người biết rằng, hệ thần kinh tự sản sinh ra điện tích và chính các dây thần kinh đã sử dụng những điện tích này.
Bác sĩ người Ý - Luigi Galvani đã tiến hành thử nghiệm để kiểm tra tác động của dòng điện lên cơ bắp. Thời kỳ đó chưa có ắc-quy nên ông đã phải sử dụng máy phát để tạo ra dòng điện. 
Nhà nghiên cứu Luigi Galvani đã thử dẫn điện vào chân một chú ếch và nhận thấy, phần chân bắt đầu co giật.

Galvani đã dẫn điện vào chân của một chú ếch và nhận ra rằng phần chân bắt đầu co giật. Sau đó, ông còn phát hiện ra rằng, hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi không sử dụng tới dòng điện.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 3


Galvani dí chân chú ếch vào móc câu bằng đồng treo trên một thanh sắt và thấy cái chân vẫn bị giật. Từ đó, ông đã tìm ra khái niệm “điện thân thể” (animal electricity), nghĩa là động vật, bao gồm cả con người, có xung điện bên trong cơ thể và các cơ của chúng ta co bóp vì có dòng điện chạy qua.
... đến quá khứ đáng sợ của thần kinh học
Tuy nhiên, Galvani gặp thất bại trong việc chứng minh rằng việc “kích” điện vào bộ não lại có thể gây ảnh hưởng tới các cơ trên khuôn mặt.
Vào năm 1802, Giovanni Aldini đã làm sáng tỏ điều này bằng cách kích điện vào bộ não của một tử tù bị chém đầu. Ông nối dây kim loại vào hai bên tai của phần đầu rồi truyền điện. Kết quả là các cơ mặt của người tử tù này bị méo mó và co rúm lại, còn mi mắt thì bắt đầu giật.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 4


Cũng trong thời kỳ này, các nhà khoa học đã tranh cãi nảy lửa về vai trò của điện tích với hệ thần kinh của con người và động vật. Nhà nghiên cứu Alessandro Volta không tin động vật có thể tự sản sinh ra điện tích.
Những nhà khoa học ở phe đối lập đã quyết định thực hiện một thí nghiệm rùng rợn. Vào năm 1803, cháu trai của Giovanni Aldini đã tiến hành kiểm chứng ngay trước mặt công chúng. Ông sử dụng xác của tử tù Thomas Forster và nối thanh dẫn điện vào miệng, tai và hậu môn của người đàn ông này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 5


Một người chứng kiến cho biết: “Đầu tiên hàm của người tử tù bắt đầu rung, các cơ bên cạnh thì nhăn nhúm lại và một mắt mở trừng trừng. Sau đó, tay phải của Thomas Forster giơ lên và siết chắt lại, còn chân và bắp đùi thì bắt đầu cử động. Cảm giác như người này vừa trở về từ cõi chết vậy”.

... và kết luận "Chết là một quá trình"
Nhiều nhà nghiên cứu tự hỏi, nếu cơ thể đã chết, tại sao các dây thần kinh vẫn phản ứng lại với kích thích xung điện từ bên ngoài? Vào năm 1818, con người lầm tưởng xung điện là sức mạnh của sự sống và con người có thể hồi sinh nhờ kích điện.
Tuy nhiên khoa học hiện đại đã chứng minh, các tế bào trong cơ thể không chết đi khi động vật hoặc con người trút hơi thở cuối cùng. Điều đó lý giải tại sao chúng ta có thể cấy ghép cơ quan từ người này sang người khác và vẫn truyền máu được.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 6


Cơ quan đa bào không chết đi ngay lập tức mà quá trình này diễn ra từ từ theo từng bước một. Dây thần kinh và các tế bào cơ vẫn tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định sau khi con người hoặc động vật chết, chính vì vậy chúng có thể được “hồi sinh” bằng cách kích điện.
Một ví dụ thần kì về tác dụng của phương pháp kích điện chính là người phụ nữ 29 tuổi - Candice Ivey sống tại Mỹ. Đáng lẽ cô đã nằm sâu dưới đất cách đây 12 năm và được cho là dù không chết cũng chỉ sống thực vật. Nhưng nhờ kích thích não bằng điện, cô đã trở lại bình thường.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 7


Sau khi bị tai nạn gây ra bởi xe chở gỗ, Candice lâm vào tình trạng hôn mê và các bác sĩ cho rằng cô không thể qua khỏi. Họ cho biết, não của cô bị hủy hoại hoàn toàn sau một tuần phù nề và xuất huyết. 
Tuy nhiên mẹ cô không từ bỏ hy vọng. Bà đã viết thư cho nhà phẫu thuật Edwin Cooper và đề nghị ông áp dụng phương pháp trị liệu mới cho Candice. Edwin sau đó đã đặt một chiếc vòng dẫn điện vào cổ tay Candice.
Chiếc vòng này phóng ra dòng điện 20 miliample, đủ làm cho bàn tay cô nắm lại còn cánh tay thì rung nhẹ. Trong vòng một tuần, Edwin nhận thấy bệnh nhân có những dấu hiệu tiến triển rõ rệt. Sau 12 năm, cô đã có thể trở lại với cuộc sống bình thường.

Điều gì sẽ xảy ra nếu "kích điện" vào bộ não chết 8


Kể từ giữa thập niên 1980, bác sĩ Edwin đã cứu sống được khoảng 60 người bị chấn thương não nặng nề. Ông phát hiện ra rằng, kích thích điện có khả năng đánh thức nhất định đối với não bộ trong tình trạng hôn mê sâu.
Edwin nhận thấy, khi đặt thiết bị kích thích lên một cánh tay của bệnh nhân bị liệt tứ chi để tăng cường sức mạnh của cơ bắp thì cánh tay còn lại cũng có phản xạ mạnh hơn bình thường.
Ông đi tới kết luận rằng, dòng điện đã tự tìm đường lên não bộ, băng qua bán cầu não đối diện rồi kích thích các trung tâm đánh thức của bệnh nhân.
Từ cơ sở này, Edwin nhận định, nếu người khỏe mạnh tạm thời bị rơi vào tình trạng hôn mê có thể được đánh thức dậy bằng kích thích điện, cũng giống như chúng ta khởi động lại bộ não vậy.
Những thành công trong điều trị của Edwin đã đem lại tia hy vọng cho các gia đình bệnh nhân bị hôn mê.
 
Copyright © 2013 Kinh dị (Pmanth) | Powered by Blogger