Monday, October 28, 2013

Con ma nhà họ Hứa

Con ma nhà họ Hứa

       Đây là phòng ngủ của cô con gái xinh đẹp nhưng cũng thật bất hạnh...... của đại phú gia chú Hỏa

                      
www. chuyenkinhdihay.blogspot.com - Tòa nhà tọa lạc tại số 97, đường Phó Đức Chính, quận 1, Sài Gòn trải qua bao thời gian.  Nhưng vẫn đứng sừng sững với dáng dấp cổ kính, tĩnh lặng, thâm u.  Càng làm cho những giai thoại về chủ nhân và ngôi nhà thêm phần huyền hoặc. 


Dù bây giờ đã trở thành Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật, nhưng nó vẫn còn chất chứa rất nhiều bí ẩn, gợi biết bao sự tò mò..... bởi nó gắn liền với tên tuổi của một đại phú người Hoa lừng lẫy Sài Gòn của những thế kỷ trước.

        
Hui Bon Hoa, hay còn được gọi là chú Hỏa, gốc người Minh Hương - người Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam. Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy, ông cũng là một trong tứ đại hào phú vang lừng của Sài Gòn ngày xưa mà dân gian đã có câu :
              
"  Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, Tứ Hỏa "

               1. Huyện Sỹ : Lê Phát Đạt

               2. Tổng đốc Phương : Đỗ Hữu Phương

               3. Bá hộ Xường : Lý Tường quan và

               4. Chú Hỏa : Hui Bon Hoa.

       
Tuy xếp thứ tư, nhưng chú Hỏa là người có nhiều huyền thoại và để lại nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng, không chỉ thu vén cho riêng mình,mà ông luôn có tấm lòng tốt muốn giúp đỡ cho mọi người.  Ông cũng là người đã giúp ích mở mang và tạo sự phồn vinh về kinh tế cho miền nam Việt Nam thời bấy giờ.

             
* Mua ve chai nhặt được vàng

                
Lúc thiếu thời, chú Hỏa làm nghề mua bán ve chai, theo nhiều người kể lại, trong một lần thu mua ve chai, chú Hoả nhặt được cả túi vàng được giấu trong một chiếc ghế nệm cũ kỹ, cũng có người kể, chú mua được bức tượng đúc bằng đồng, nhưng bên trong đầy vàng.

Còn theo một số truyền thuyết khác, thì khi lang thang khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ phế thải của thiên hạ, chú Hỏa đã mua trúng một món đồ cổ, chú thạo chữ Hán, nên biết trong đám đồ người ta vứt ra, có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán.  Nhưng có một thực tế, ít ai đề cập đến, đó là ngoài sự cần mẫn, chịu khó.  Chú Hỏa còn có một đầu óc kinh doanh siêu hạng.
            
Không chỉ nổi tiếng trong nước lúc bấy giờ....Tên tuổi chú Hỏa còn lừng lẫy khắp Đông Dương không chỉ bởi gia sản kếch sù mà còn bởi sự nhạy bén trong mọi công việc kinh doanh.
            
Chú có hơn mười người con thì hầu hết được cho đi du học tại các nước có nền văn minh tân tiến nhất như  : Anh, Pháp, Đức, Nhật.....Các con của chú đều học hành thành đạt và hầu hết đã nhập quốc tịch và lưu lại những nước mà họ theo học.
                     
Trước 1975 nếu ai có dịp vào thăm nhà chú Hỏa, đều nhìn thấy đôi quang gánh đặt kỹ lưỡng trong một cái tủ kính chưng giữa nhà, vừa như vật trang trí vừa như là một kỹ vật thời hàn vi .
        
* Ông trùm về địa ốc
            
Chú Hỏa là một ông vua địa ốc, với gia sản ước trên hai chục ngàn căn nhà, phố khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Ông cũng thành lập công ty Hui Bon Hoa và các con, cực thịnh vào thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.
          
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển : " Hui Bon Hoa có nhiều con cháu và họ rất hòa thuận, nên gia tài được giữ nguyên vẹn không phân chia manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần một số tiền lớn phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi đó ngân hàng mới phát bạc. Nhờ thế gia sản của Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ.
          
Khởi đầu, chú Hỏa hùn hạp với người  Pháp bao thầu kinh doanh các tiệm cầm đồ. Hiện nay phố xá Sài Gòn, phần lớn là của công ty Hui Bon Hoa làm chủ.
         
Không chỉ xây các các dinh thụ hoành tráng cho gia đình, chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt các công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền, trong số các công trình tiêu biểu vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, Bảo Tàng Mỹ thuật, khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Chùa Kỳ Viên, Khách sạn Palace - Long Hải....
         
Majestic là khách sạn đồ sộ bậc nhất thời ấy, được thiết kế theo bản vẽ của một kiến trúc sư người Pháp. Cũng như Bảo Tàng Mỹ Thuật, Majestic xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ và ngay cả hiện nay, nó mang dáng vẻ kiến trúc cổ của Châu Âu thời phục hưng, trông cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài thành.
       
* Dinh thự có 99 cửa
       
Nằm ở khu tứ giác, đắc địa của Sài Gòn là phố Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, hiện tòa nhà 97 Phó Đức Chính được dùng làm Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật. Từ trước 1975 đã có rất nhiều lời đồn đại, cho rằng ngôi nhà này có....ma ! Người ta kể rằng đã nhiều lần nhìn thấy bóng trắng thấp thoáng lướt qua các dãy hành lang trong đêm khuya, có người còn khẳng định đã nghe hồn ma đêm đêm hiện về gào khóc...
       
Chú Hỏa có hàng chục người con trai, nhưng chỉ có duy nhất một đứa con gái rất xinh đẹp nên được chú Hỏa vô cùng yêu chiều. Tuy nhiên, có một ngày không còn ai nhìn thấy cô gái ấy xuất hiện nữa. Từ đó những đêm khuya thanh vắng, từ trong toà nhà vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi một buổi sáng.... người dân Sài Gòn đọc được mẫu tin chú Hỏa đăng cáo phó, báo cô con gái xinh đẹp của ông đã chết. Mẫu tin còn cho biết cô gái mang bạo bệnh và chết bất đắc kỳ tử còn nhằm vào giờ trùng nên tang lễ chỉ làm sơ xài...thi hài được an táng tại khu đất ở Long Hải thuộc khu nghỉ mát của gia đình.
        
Từ đó, dư luận bắt đầu đồn đại dữ dội, không ít người quả quyết đã tận mắt thấy " hồn ma " con gái chú Hỏa đêm đêm xuất hiện trong khu nhà gào rú, khóc than.  Có người lại nói, đã thấy có bóng áo trắng, tóc xỏa, phất phơ lướt đi trong đêm, dọc theo hành lang, qua những cửa sổ.  Một hôm, đám người tò mò, hiếu kỳ vồ được một anh thợ điện được thuê vào dinh thự để sửa chữa điện, rồi cùng toát mồ hôi lạnh, khi nghe người thợ này, kể về một căn phòng rất đặc biệt trên tầng cao nhất. Phòng rất đẹp và đầy đủ tiện nghi, nhưng lại giống như một phòng giam, bởi sự kiên cố và bí hiểm bao trùm. Cửa ra vào này có một ô nhỏ và anh thợ điện cũng quả quyết đã nhìn thấy chị người làm rón rén truyền khay thức ăn qua ô cửa nhỏ đó....
        
Thế là, câu chuyện được bùng nổ, mọi người kháo nhau con gái chú Hỏa còn sống, nhưng cũng như người đã chết vì bị bệnh tâm thần.
        
Thời gian sau, các tờ báo lá cải Sài Gòn lúc đó.. lại đưa tin, vì hám của ( theo tập tục của người Hoa thường chôn theo người chết rất nhiều của cải ), nên vào một đêm, có hai tên trộm đã lẽn vào quật mồ con gái của chú Hỏa và thấy quan tài trống rỗng.
       
 Một quyển sách có tựa đề " Ngôi Mộ Cổ Nhà Họ Hứa ". Khá phổ biến trên văn đàn của người Việt hải ngoại do tác giả Phạm Phong Dinh viết : Cô con gái chú Hỏa tên thật là Hứa Tiểu Lan, mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa. Sự thật ? Vào thời kỳ ấy nền y học Tây Phương theo người Pháp du nhập vào Việt Nam, Sài Gòn là nơi Tây y phát triển nhất. 

Nhưng căn bệnh quái ác nhất vẫn chưa có thuốc chữa, đó là bệnh " phong cùi ".  Cô con gái rượu của chú Hỏa, người mà ông cưng chiều nhất đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, ông chạy chữa rất nhiều nơi nhưng Tây y cũng như Đông y nghe nhắc đến mấy chữ này thì cũng bó tay và cũng không muốn dám thí mạng để ngồi chẩn đoán ( vì mức độ lây lan của bệnh này cũng rất cao ) mọi người trong gia đình cũng đều phải cách ly ( Cô gái bị nhốt vào 1 căn phòng, hằng ngày có người chuyền thức ăn qua cái ô vuông nhỏ.

Mọi cánh cửa ra vào căn phòng bị khóa chặt, hành lang của căn phòng đó cũng bị ngăn cấm không ai được qua lại. Từ một cô gái xinh đẹp đã bị biến dạng của bệnh cùi lở, tóc tai rối bời xấu xí đến ghê rợn.  Một cô gái tuổi đang xuân lại mắc phải chứng bệnh cùi không thể chữa trị được, quả là một đau đớn và tuyệt vọng.  Lại bị cách ly, giam cầm, cho nên cô gái ấy đã trở thành điên loạn, luôn la hét và chửi rủa. Tất cả mọi người chung quanh đều lo sợ bị lây bệnh.
       
Rồi đến lúc cô không còn hơi sức chống chọi được căn bệnh nên đã ra đi trong sự im lặng. Người đau đớn nhất là chú Hỏa, mặc dù ông có vô số tài sản, nhưng cũng đành bất lực nhìn con gái chết trong sự đau đớn về thể xác và cả tinh thần. Vì quá thương tiếc con gái, nên chú Hỏa không an táng mà liệm cô vào một cái hòm đá, bên trên đậy kín bằng một tấm kiếng dầy 5 phân và để mãi ở giữa ngôi nhà của ông. Và cũng từ đó.  Lâu lâu, người ta lại nghe tiếng rên rĩ...hờn oán, trách móc...vọng ra từ căn phòng đó.
         

Cô gái nhà họ Hứa biến thành quỉ
         
Hôm đó đúng ngày giỗ một năm của người con gái bất hạnh, Nhà chú Hỏa có tổ chức cúng kiến và mời bà con, bạn bè làm ăn tới dự. Chú Hỏa đặt may một cái áo đầm trắng, ông cũng mua một con búp bê biết nháy mắt, nằm xuống thì nó nhắm mắt, nếu để đứng thì mở mắt và một mâm cơm gà, chú Hỏa sai cô người hầu đem lên tận phòng và luồn vô khe cửa đặt con búp bê, cái áo đầm và một mâm cơm để cúng cô gái xấu xố. 

Khi khách đã ra về, khoảng 2 - 3 giờ trưa, cô người hầu lên phòng dọn mâm cơm cúng xuống, thì cô này phát hoảng, vì mâm cơm ai đã ăn hết một nửa.  Trong khi căn phòng mọi cửa sổ đều đã được khoá chặt từ lâu, qua ánh sáng yếu ớt từ ô cửa, cô người hầu nhìn vào chiếc hòm kính đã bị đẩy ra hơn phân nửa, con búp bê đứng sững trên cái hòm kính, mắt chớp lia lịa liên tục, có bóng ai đó thấp thoáng, ẩn hiện sau chiếc áo đầm treo lơ lững ở cuối phòng.  Cô người hầu quá sợ hãi chạy hấp tấp thế nào, khiến bị té trẹo cả giò, mặt trắng bệch như bị quỉ ám, mãi một lúc lâu mới nói ra lời, cô...chủ ...về.  Sự việc này, cũng xảy ra tương tự với những người hầu khác.  Cuối cùng, chú Hỏa đành phải đưa cô đi chôn cất trong im lặng và bí mật !

         Và trong vô số các mẫu chuyện huyễn hoặc.  Câu chuyện trên có lẽ gần sự thật hơn cả. Thế  nhưng sự thật như thế nào, về con gái chú Hỏa, có lẽ cũng đã theo chú xuống mồ.( Nguồn : http: //forum.shaiya.com.vn / )

         

   

  

          

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Kinh dị (Pmanth) | Powered by Blogger